Nguồn: vnexpress.net
Khi xâm nhập vào phổi, dạ dày, gan, thận, nCoV có thể gây tổn thương từ nhẹ tới suy tạng tương tự các virus corona cùng họ là SARS và MERS.
Bác sĩ xem xét phim chụp cắt lớp phổi trong khu cách ly tại một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 3/2. Ảnh: National Geographic. |
National Geographic dẫn các nghiên cứu công bố gần đây của Đại học Maryland, Đại học Michigan, tạp chí Kidney International… cho thấy nCoV giống SARS về mặt di truyền tới mức nó được WHO đặt tên là SARS-CoV-2. Theo đó khi virus tấn công có thể tác động tới toàn bộ cơ thể người, không chỉ riêng phổi. Đó là điểm chung của virus corona truyền từ động vật sang người trước đây như SARS và MERS. Khác với họ hàng gây cảm lạnh thông thường, các virus corona gây tổn thương cho nhiều cơ quan nội tạng, và nCoV không phải ngoại lệ.
Phổi
Với phần lớn bệnh nhân, Covid-19 bắt đầu và kết thúc ở phổi, bởi giống như cúm, các virus corona gây bệnh hô hấp. Chúng chủ yếu lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, làm bắn những giọt li ti chứa virus tới bất cứ ai tiếp xúc gần. Virus corona cũng gây các triệu chứng giống cúm. Bệnh nhân có thể bắt đầu triệu chứng như sốt và ho, tiến tới viêm phổi hoặc nặng hơn.
Theo phó giáo sư Matthew B. Frieman ở Trường Y của Đại học Maryland, virus corona mới dường như tuân theo mô hình của SARS. Trong những ngày đầu nhiễm bệnh, nCoV nhanh chóng xâm chiếm tế bào phổi. Các tế bào phổi chia thành hai nhóm, nhóm tạo dịch nhầy và nhóm có lông mao. Dịch nhầy giúp bảo vệ mô phổi trước mầm bệnh và đảm bảo phổi không bị khô. Tế bào có lông mao tập trung quanh dịch nhầy, làm sạch phấn hoa hoặc vi khuẩn.
Frieman giải thích, SARS thường lây nhiễm và tiêu diệt tế bào có lông mao. Những tế bào này sau đó chết hàng loạt, lấp đầy đường thở của bệnh nhân cùng với mảnh vụn và dịch lỏng. Ông đặt giả thuyết điều tương tự cũng xảy ra nCoV. Đó là vì các nghiên cứu sớm nhất về Covid-19 cho thấy nhiều bệnh nhân bị viêm phổi ở cả hai bên, cùng với triệu chứng như thở gấp. Đó là khi hệ miễn dịch bắt đầu tác động ở giai đoạn hai. Bị khuấy động bởi sự xuất hiện của virus xâm nhập, cơ thể chúng ta tăng cường chống lại mầm bệnh bằng cách lệnh cho tế bào miễn dịch đổ xô vào phổi để loại bỏ tổn thương và hồi phục mô phổi.
Khi hoạt động đúng cách, quá trình viêm này được kiểm soát chặt chẽ và chỉ giới hạn ở những khu vực nhiễm virus. Nhưng đôi khi, hệ miễn dịch bị rối và cho tế bào tiêu diệt bất cứ thứ gì trên đường đi, bao gồm cả mô khỏe mạnh. Qua đó, phản ứng miễn dịch gây ra nhiều tổn thương hơn. Càng nhiều mảnh vụn bịt kín phổi, khiến tình trạng viêm phổi nặng hơn.
Ở giai đoạn ba, tổn thương phổi tiếp tục gia tăng, có thể gây suy hô hấp. Ngay cả khi không tử vong, một số bệnh nhân sống sót bị tổn thương phổi vĩnh viễn. Theo WHO, SARS tạo ra những lỗ ở phổi, khiến bề mặt phổi trông như tổ ong. Tổn thương này cũng xuất hiện ở phổi của người nhiễm nCoV.
Các lỗ này nhiều khả năng được tạo ra bởi phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, gây sẹo làm xơ cứng phổi. Bệnh nhân thường phải dùng máy thở để hỗ trợ hô hấp. Trong khi đó, tình trạng viêm cũng làm màng giữa phế nang và mạch máu trở nên dễ thấm hơn, làm chất lỏng ứ trong phổi và ảnh hưởng tới khả năng cung cấp oxy cho máu. “Trong những trường hợp nặng, về cơ bản phổi của bạn bị ngập dịch lỏng và bạn không thể thở được. Đó là lý do mọi người tử vong”, Frieman nói.
Sau dịch SARS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo dịch bệnh này thường tấn công phổi trong ba giai đoạn, quá trình nhân lên của virus, phản ứng quá mức của hệ miễn dịch và tổn thương phổi. Không phải mọi bệnh nhân đều trải qua cả ba giai đoạn. Trên thực tế, chỉ có 25% bệnh nhân SARS bị suy hô hấp, dấu hiệu đặc trưng của các ca bệnh nặng. Theo dữ liệu ban đầu, Covid-19 gây ra triệu chứng nhẹ cho khoảng 82% số ca nhiễm, trong khi tình trạng của số còn lại rất nặng hoặc nguy kịch.
Dạ dày
Theo Anna Suk-Fong Lok, phó hiệu trưởng nghiên cứu lâm sàng ở Trường Y của Đại học Michigan, khi bất kỳ virus nào xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tìm kiếm tế bào với lối vào phù hợp, đó là những protein ở bên ngoài tế bào gọi là thụ thể. Nếu virus tìm thấy thụ thể tương thích, chúng có thể xâm nhập vào tế bào. Một số virus khá kén chọn, nhưng những virus khác bừa bãi hơn.
Hai nghiên cứu công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine và medRxiv trên 1.099 bệnh nhân cũng phát hiện nCoV ở mẫu phân, chỉ ra virus có thể lây lan qua phân người. Nhưng kết quả này không phải kết luận cuối cùng. “Chúng ta chưa biết liệu việc truyền nhiễm qua phân có xảy ra ở nCoV hay không. Nhưng rõ ràng nó có ở trong phân và những triệu chứng đường ruột ở bệnh nhân có liên quan tới điều này”, Frieman nói.
Trong dịch SARS và MERS, gần 1/4 bệnh nhân bị tiêu chảy, một đặc điểm đáng lưu ý của virus corona truyền từ động vật sang người. Nhưng Frieman cho biết chưa rõ các triệu chứng đường ruột có đóng vai trò quan trọng trong đợt bùng phát dịch mới nhất hay không bởi các ca tiêu chảy và đau bụng rất hiếm. Tại sao virus gây bệnh hô hấp lại ảnh hưởng tới ruột?
Cả virus gây dịch SARS và MERS đều có thể tiếp cận tế bào trong ruột non và ruột già, lây nhiễm mạnh ở đường tiêu hóa, gây tổn thương hoặc rò rỉ dịch dẫn tới tiêu chảy. Nhưng theo Frieman, các nhà nghiên cứu chưa rõ nCoV có hoạt động tương tự hay không. Họ cho rằng nCoV sử dụng cùng loại thụ thể như SARS, và thụ thể này cũng có trong phổi và ruột non.
Gan
Anna Suk-Fong Lok, Phó hiệu trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Y, Đại học Michigan, cho biết, khi virus đi vào mạch máu, chúng có thể bơi tới bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Gan là cơ quan có nhiều mạch máu nên virus corona có thể dễ dàng tiến vào gan.
Gan làm việc cật lực để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường. Nhiệm vụ chính của nó là xử lý máu sau khi rời khỏi ruột, lọc độc tố và tạo ra dưỡng chất mà cơ thể sử dụng được. Gan cũng tiết ra mật giúp ruột non phân hủy chất béo. Ngoài ra, gan còn chứa enzyme giúp thúc đẩy phản ứng hóa học trong cơ thể.
Lok giải thích ở cơ thể người bình thường, tế bào gan thường xuyên chết và giải phóng enzyme vào mạch máu. Cơ quan đa chức năng này sau đó nhanh chóng tái tạo tế bào mới và tiếp tục hoạt động. Nhờ quá trình tái tạo, gan có thể chịu nhiều tổn thương.
Khi lượng enzyme trong máu cao bất thường, đặc điểm phổ biến ở bệnh nhân mắc SARS và MERS, đó là dấu hiệu báo động. Đó có thể là tổn thương nhẹ mà gan có thể nhanh chóng phục hồi hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn như suy gan.
Theo Lok, các nhà khoa học chưa hiểu rõ hoàn toàn cách virus gây bệnh hô hấp hoạt động ở gan. Virus có thể lây nhiễm trực tiếp sang gan, nhân lên và tiêu diệt tế bào, hoặc tế bào có thể chịu tổn thương khó lường trước khi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus gây viêm nặng ở gan.
Dù theo cách nào, suy gan chưa bao giờ được ghi nhận là nguyên nhân gây tử vong duy nhất ở bệnh nhân SARS. “Khi gan suy yếu, thông thường bệnh nhân còn có vấn đề ở phổi và thận. Lúc này, đó là sự lây nhiễm mang tính hệ thống”, Lok chia sẻ.
Thận
Thận cũng có thể bị ảnh hưởng bởi virus corona. 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị suy thận cấp tính. Nghiên cứu chỉ ra nCoV cũng gây tổn thương tương tự. Đây là tổn thương khá ít gặp ở bệnh hô hấp do virus corona nhưng có thể gây chết người. 91,7% bệnh nhân SARS bị suy thận cấp tính tử vong, theo nghiên cứu năm 2005 trên tạp chí Kidney International.
Giống như gan, thận hoạt động như bộ máy lọc máu. Mỗi quả thận chứa khoảng 800.000 đơn vị cấu trúc – chức năng gọi là nephron. Những nephron gồm hai thành phần là tiểu cầu thận giúp lọc máu và tiểu quản giúp đưa máu đã lọc trở lại cơ thể hoặc tống chất thải xuống bàng quang dưới dạng nước tiểu. Tiểu quản thận dường như chịu tác động nhiều nhất từ các virus corona truyền từ động vật sang người. Sau dịch SARS, WHO báo cáo tìm thấy virus ở tiểu quản thận.
Việc phát hiện virus ở tiểu quản không hiếm gặp nếu virus có trong mạch máu, theo Kar Neng Lai, giáo sư danh dự ở Đại học Hong Kong kiêm bác sĩ chuyên khoa thận ở Viện điều dưỡng và Bệnh viện Hong Kong. Khi thận liên tục lọc máu, đôi khi tế bào tiểu quản có thể tiếp xúc với virus và gây tổn thương nhẹ.
Tuy nhiên, tổn thương đó có thể đe dọa tính mạng nếu virus xâm nhập vào tế bào và bắt đầu nhân lên. Lai, thành viên của nhóm nghiên cứu đầu tiên báo cáo về dịch SARS và tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Kidney International, cho biết không có bằng chứng virus SARS nhân lên ở thận. Phát hiện chỉ ra tổn thương suy thận cấp tính ở bệnh nhân SARS có thể do hàng loạt nguyên nhân, bao gồm huyết áp thấp, nhiễm trùng, thuốc hoặc rối loạn trao đổi chất.
An Khang (Theo National Geographic)
Nguồn: https://vnexpress.net/khoa-hoc/tac-dong-cua-ncov-toi-cac-co-quan-noi-tang-4055803.html
- Virus corona mới tàn phá các bộ phận trên cơ thể như thế nào?
- nCoV dễ dàng bám tế bào người gấp 20 lần so với SARS
- Sử dụng tỏi đen để tăng cường đề kháng chống virus Corona
Hãy chia sẻ ngay bài viết bằng nút chia sẻ bên dưới để mọi người cùng có ý thức phòng tránh giảm tỷ lệ lây lan virus chết người cho cộng đồng bạn nhé, việc làm nhỏ mà ý nghĩa lớn! >> Bạn sẽ hối hận hết phần đời còn lại nếu không xem hết Video này. Xem ngay! >>> MUA 1 TẶNG 1 HOẶC 1 Máy làm tỏi đen V6 CN Nhật Bản (TĂNG THÊM 30% NĂNG SUẤT CHO MỖI LỀN LÊN MEN) tại đây
>> CHÚ Ý <<